“THAY KỲ THỊ – BẰNG ĐỘNG VIÊN – CHUNG TAY ĐẨY LÙI BỆNH LAO”

Bệnh lao hiện nay vẫn là một trong những căn bệnh gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ, xã hội và kinh tế. Năm 2025, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lựa chọn chủ đề ngày thế giới phòng, chống lao: “Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao: cam kết, đầu tư và thực hiện” với mục đích nâng cao nhận thức và hành động của cả cộng đồng để chấm dứt bệnh lao.
Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên, bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Nguồn lây chính của bệnh lao là những bệnh nhân lao phổi có vi khuẩn lao trong đờm. Người bị lây do hít phải vi khuẩn lao của bệnh nhân lao phổi bắn ra môi trường xung quanh khi ho, khạc, hắt hơi, hoặc khi tiếp xúc trong thời gian dài và liên tục.
Bệnh lao có rất nhiều dạng như lao màng não, lao hạch bạch huyết, lao xương khớp, lao màng bụng, lao ruột, lao sinh dục,… Trong đó phổ biến nhất là lao phổi chiếm tỉ lệ từ 80-85% tổng số ca bệnh và là nguồn lây chính cho người xung quanh.
Ở nền bệnh lao tiến triển, tùy vào mức độ gây bệnh ở từng cơ quan, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng khác nhau. Ở lao phổi, các dấu hiệu thường đặc hiệu, biểu hiện qua đường hô hấp như: Ho khan, ho ít, nhiều khi bệnh nhân không để ý mình bị ho từ lúc nào; Ho khan kéo dài, sốt nhẹ trên 3 tuần (có thể sốt về chiều); Ho khạc đờm, đờm thường có màu trắng; Ho ra máu (đờm lẫn máu) số lượng từ ít tới nhiều; triệu chứng khó thở, đau ngực, khám phổi thấy ran ẩm, ran nổ vùng tổn thương. Nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời người bệnh lao phổi có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm như: Tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, xơ phổi, ho ra máu… thậm chí gây tử vong nhanh. Sau khi chữa khỏi lao phổi vẫn có thể để lại một số di chứng như: suy hô hấp mãn, giãn phế quản, u nấm phổi, tràn khí màng phổi…”

Từ đầu năm 2025 đến nay, Tổ lao Trung tâm Y tế thành phố Hạ Long thăm khám và cấp phát thuốc cho 85 bệnh nhân Lao và Lao kháng thuốc trên địa bàn thành phố và phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan tuyên truyền các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh lao cho cộng đồng:
1) Tất cả trẻ đều phải tiêm phòng vắc-xin BCG ngay tháng đầu sau sinh nhằm giúp ngăn ngừa mắc bệnh Lao có hiệu quả.
2) Khi ho kéo dài hơn 02 tuần mọi người cần đi khám, xét nghiệm đờm, chụp X.quang phổi để phát hiện bệnh lao.
3) Để tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh; người bị bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, bệnh nhân lao không được khạc nhổ bừa bãi, tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 02 tháng đầu điều trị. Cần phơi chăn, chiếu, vật dụng của bệnh nhân lao ra nắng mỗi ngày. Phát hiện sớm người mắc bệnh Lao điều trị kịp thời và đúng phác đồ để không còn khả năng lây bệnh cho người khác. Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khoẻ, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý.
4) Nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào nghi ngờ mắc bệnh lao cần đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám phát hiện sớm, để tránh lây bệnh cho người khác.
Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, của cộng đồng và đạt mục tiêu cam kết đề ra, hơn bao giờ hết mỗi người dân cần nâng cao nhận thức về bệnh lao, đồng thời kêu gọi sự quan tâm, hành động, chung tay góp sức của các cấp chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và toàn thể cộng đồng để cùng nhau chiến thắng bệnh Lao.

Phượng Phan
Author: Phượng Phan