Tập huấn Phòng chống Bệnh Dại tại xã Đồng Sơn

Chiều ngày 26/01/2025, Trung tâm Y tế thành phố Hạ Long phối hợp Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lớp tập huấn Chương trình Phòng, chống bệnh Dại năm 2025 tại xã Đồng Sơn.
Tham gia Lớp tập huấn có Đ/c Trần Thị Diệp – Phụ trách Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm KSBT tỉnh Quảng Ninh; Đ/c Linh Du Ngân – Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Sơn; Lãnh đạo,cán bộ Trạm Y tế xã Đồng Sơn (TP. Hạ Long), Trạm Y tế xã Lương Minh (huyện Ba Chẽ) cùng đội ngũ y tế thôn bản và nhân dân trên địa bàn.

Tại lớp tập huấn Bác sĩ Trương Hoàng Kiên – Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm KSBT tỉnh Quảng Ninh đã phổ biến những kiến thức cơ bản về Phòng, chống bệnh Dại. Cụ thể: Tình hình bệnh Dại tại Việt Nam và Quảng Ninh; Hướng dẫn giám sát phòng, chống bệnh Dại trên người; Cập nhập, hướng dẫn tiêm vacxin và huyết thanh phòng Dại; Phòng chống bệnh Dại tại trường học và cộng đồng…

Bệnh Dại là bệnh viêm não tuỷ cấp tính do vi rút lấy từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật bị Dại. Động vật, người khi mắc bệnh Dại gần như 100% dẫn đến tử vong. Ổ chứa virut Dại là động vật có vú máu nóng, ở Việt Nam chủ yếu chó sau đó là mèo. Ở Quảng Ninh, từ đầu năm 2017 đến T3/2025 xen giữa năm 2018 và 2022 không có ca mắc, các năm còn lại đều xuất hiện bệnh nhân tử vong do bệnh dại đặc biệt năm 2021 là 03 ca, năm 2017 và 2023 là 02 ca. Khi bị chó, mèo cắn cần xử lý vết thương và tiêm vacxin Dại càng sớm càng tốt. Lưu ý khi xử lý vết thương cần xối rửa kĩ Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 450-700 hoặc cồn i ốt để làm giảm thiểu lượng vi rút tại vết cắn. Chất khử trùng thông thường: rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương. Không làm dập nát thêm vết thương, tránh khâu kín ngay vết thương; Tiêm phòng uốn ván, chống nhiễm trùng bằng kháng sinh nếu cần thiết.
Để phòng chống bệnh Dại đạt hiệu quả cao; mọi người dân cần thực hiện 05 KHÔNG: (1) Không nuôi chó mèo không tiêm phòng dại; (2) Không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương”; (3) Không nuôi chó thả rông; (4) Không để chó cắn người; (5) Không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường.
Phòng Chống bệnh Dại – Đừng để mất mạng vì một vết cắn.

Phượng Phan
Author: Phượng Phan