Thứ Năm, 21/11/2024

PHÒNG CHỐNG BỆNH DẠI

  1. Đặc điểm của bệnh
    – Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại vào vết xước trên da, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm vi rút dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.
  2. Nguồn truyền bệnh: Ổ chứa chủ yếu ở chó, ngoài ra còn thấy ở mèo, chuột…
  3. Biện pháp dự phòng

Cho đến  nay bệnh Dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh Dại gần như  tử vong 100%. Bệnh Dại nguy  hiểm nhưng đã có vắc xin phòng và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh Dại.

Để chủ động phòng chống bệnh Dại người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Một là: Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

Hai là: Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải đeo rọ mõm.

Ba là: Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Bốn là: Khi bị chó, mèo cắn, cào cần:

– Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch – đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Dại khi bị chó, mèo cắn.

– Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone.

– Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

– Đến ngay cơ sở Y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời.

 

 

Phượng Phan
Author: Phượng Phan