“Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS – Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”

HIV là virut gây suy giảm miễm dịch ở người, làm cho cơ thể suy giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh. AIDS là giai đoạn cuối cùng của quá trình nhiễm HIV. HIV phá hủy các tế bào của hệ miễn dịch, khiến cơ thể không còn khả năng chống lại các virut, vi khuẩn và nấm gây bệnh do đó bệnh nhân dễ bị mắc một số loại nhiễm trùng cơ hội mà bình thường cơ thể có thể đề kháng được.
Trong thời gian qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc phòng, chống HIV/AIDS nhưng dịch HIV vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và là vấn đề sức khỏe cộng đồng cần được quan tâm. Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam ước tính có 249.000 người nhiễm HIV. Đáng chú ý, đường lây truyền HIV có thay đổi, từ lây truyền qua máu là chủ yếu thì hiện nay đường lây truyền qua quan hệ tình dục là chủ yếu. Một trong những điểm đáng lo ngại là hiện nay tỉ lệ người nhiễm HIV đang trẻ hóa.
Tại Quảng Ninh, trường hợp được phát hiện đầu tiên vào năm 1994, đến nay Số người nhiễm HIV còn sống trên địa bàn tỉnh là 5.796 người, trường hợp đã tử vong là 5.906 người 5.155 người đang điều trị thuốc ARV tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.
HIV/AIDS là một bệnh truyền nhiễm và tất cả mọi người đều có nguy cơ lây nhiễm HIV nếu không tìm hiểu những kiến thức để tự phòng tránh lây nhiễm HIV cho bản thân và cho gia đình mình.
Vi rút HIV lây truyền từ người này sang người khác qua ba con đường như sau:
– Lây truyền qua đường máu: như dùng chung bơm kim tiêm trong tiêm chích ma túy, tiêm truyền… dùng chung các vật nhọn xuyên chích qua da như kim châm cứu, dao cạo râu, dụng cụ xăm lông mi, lông mày, dùng chung bàn chải đánh răng, truyền máu và các sản phẩm của máu có vi rút HIV….
– Lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn: như quan hệ tình dục với gái mại dâm không dùng bao cao su, quan hệ tình dục với nhiều người không dùng bao cao su.
– Lây truyền từ mẹ sang con khi mang thai, khi sinh và khi cho con bú. Nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con có tỷ lệ khoảng 25-40%.
Trong sinh hoạt thông thường như ăn chung mâm cơm, cùng ngồi nói chuyện, uống nước, bắt tay, dùng chung nhà tắm, nhà vệ sinh, cùng chơi thể thao…. đều không có nguy cơ lây nhiễm HIV. Vì thế mà chúng ta có thể sống cùng người nhiễm HIV/AIDS một cách bình thường khi cả hai bên cùng có kiến thức để dự phòng lây nhiễm HIV cho mình và cho người khác.

Để hạn chế sự lây lan của dịch HIV/AIDS trong nhóm người nghiện chích ma túy, Quảng Ninh đã triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, cho đến nay toàn tỉnh đã có 05 cơ sở điều trị Methadone tại các thành phố Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Đông Triều và huyện Vân Đồn.
Khi tham gia điều trị Methadone người nghiện ma túy sẽ có các lợi ích như: Giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, viêm gan B, C.., giảm nguy cơ tử vong do dùng các chất dạng thuốc phiện, mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho gia đình và bản thân. Sau khi uống Methadone vẫn có thể tham gia lao động, học tập và sinh hoạt bình thường. Bạn hãy đến các cơ sở để được đăng ký và điều trị Methadone.
Xét nghiệm HIV là sử dụng các kỹ thuật chuyên môn để xác định tình trạng nhiễm HIV trong mẫu máu của cơ thể người. Khi một người nhiễm HIV chỉ có cách duy nhất để biết mình có bị nhiễm HIV hay không là đi xét nghiệm. Việc xét nghiệm có thể giúp bạn giải tỏa những băn khoăn, lo lắng, bất ổn về tâm lý, giúp bạn biết được thực trạng sức khỏe của mình và có cách dự phòng. Trong trường hợp không may bạn bị lây nhiễm HIV thì có thể dùng thuốc hoặc các biện pháp can thiệp y tế khác để hạn chế, làm chậm sự phát triển của bệnh, đồng thời chủ động phòng ngừa không làm lây nhiễm cho người khác.
Những người cần đi xét nghiệm HIV sớm: Người có quan hệ tình dục không an toàn, người nghiện chích ma túy dùng chung bơm kim tiêm, người quan hệ tình dục đồng giới, phụ nữ bán dâm, phụ nữ mang thai…
Vậy hãy đến các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh để được tư vấn xét nghiệm một cách đầy đủ.
Thuốc ARV là thuốc điều trị dùng cho những người nhiễm HIV/AIDS, có tác dụng ức chế virus HIV qua đó sẽ làm giảm số lượng virus HIV trong cơ thể, giảm sự xâm nhập, phá hủy các tế bào miễn dịch của cơ thể, giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể dần hồi phục, có khả năng chống đỡ lại các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể. Dùng thuốc ARV cho người nhiễm HIV là một trong những biện pháp tích cực giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện sức khoẻ và kéo dài thời gian sống có ý nghĩa, phòng tránh được lây nhiễm HIV cho người khác.
Khi phát hiện bị nhiễm HIV/AIDS cần tiếp cận, điều trị bằng thuốc kháng virus ARV càng sớm càng tốt sẽ giúp người nhiễm HIV hồi phục được hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc những bệnh nhiễm trùng cơ hội nguy hiểm, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống và sẽ không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Thông điệp K=K là viết tắt của câu “Không phát hiện = Không lây truyền”. Khi người nhiễm HIV/AIDS tuân thủ điều trị thuốc kháng vi rút ARV tốt thì thuốc sẽ ức chế virút sao chép với số lượng virút <200 bản sao/ml hoặckhông thể phát hiện được virút HIV trong mẫu máu xét nghiệm tải lượng virút, và có hiệu quả phòng ngừa lây truyền HIV qua quan hệ tình dục. Điều này có nghĩa rằng nếu người sống chung với HIV uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định của cơ sở y tế, đạt được và duy trì tải lượng virút không phát hiện thì không có nguy cơ lây truyền virút HIV sang bạn tình âm tính. Hiện nay ở Việt Nam chúng ta đang triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV miễn phí bằng thuốc PrEP, tại Quảng Ninh có ba cơ sở điều trị PrEP tại Bệnh viện Đa khoa Tỉnh, Bệnh viện đa khoa Cẩm Phả và Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn. Người nhiễm HIV/AIDS khi tham gia BHYT được hưởng các quyền lợi chung như mọi người dân khi có thẻ BHYT. Được cơ quan bảo hiểm y tế thanh toán tiền thuốc ARV, tiền xét nghiệm liên quan đến HIV và các chi phí điều trị nhiễm trùng cơ hội. Người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế có thể đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn cấp huyện, cấp tỉnh. Người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị thuốc ARV ở đâu, nếu có nhu cầu, thì được tiếp tục điều trị tại cơ sở đó khi tham gia bảo hiểm y tế. Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS năm (10/11-10/12/2024) và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch và hướng dẫn các Bộ, ngành, đoàn thể, và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2024. Cụ thể, năm 2024, Việt Nam chọn chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam diễn ra hàng năm từ ngày 10/11 đến 10/12. Chủ đề mà Việt Nam lựa chọn năm nay có ý nghĩa quan trọng và được đưa ra dựa trên bối cảnh cụ thể. Trước hết, công bằng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS có thể hiểu là việc đảm bảo rằng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS được cung cấp cho tất cả mọi người dựa trên nhu cầu thực tế của họ, thay vì dựa vào khả năng tài chính, địa vị xã hội, hoặc các yếu tố khác. Bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS là việc bảo đảm mọi cá nhân, không phân biệt giới tính, tuổi tác, dân tộc, khu vực sinh sống, tình trạng kinh tế hay bất kỳ đặc điểm cá nhân nào khác, đều có quyền sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS mà không bị phân biệt đối xử. Kết thúc dịch bệnh AIDS tại Việt Nam không có nghĩa là không còn ca nhiễm mới hay ca tử vong do AIDS, mà đảm bảo rằng AIDS không còn là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng, với các tiêu chí như số ca nhiễm HIV mới dưới 1.000 ca mỗi năm và tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con dưới 2%. Theo Bộ Y tế, Tháng hành động năm nay hướng tới 3 mục tiêu: Thứ nhất là tăng cường sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách cùng toàn xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Thứ hai, đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS: dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện HIV, điều trị sớm HIV/AIDS và đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV hướng tới tăng tiếp cận dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân. Thứ ba, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV, tạo điều kiện để người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Việt Nam chọn chủ đề "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030" thể hiện cam kết giải quyết những bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Điều này không chỉ phù hợp với định hướng của UNAIDS mà còn là bước đi cần thiết để đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ cho mọi người dân, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Chủ đề này cũng phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách bình đẳng và không bị phân biệt đối xử./.

Phượng Phan
Author: Phượng Phan