Biến chủng vi rut mọc chân chỉ sau 02 ngày nuôi cấy

Chiều 25/5, Bộ Y tế đã họp khẩn với bộ phận công tác đặc biệt và Sở Y tế Bắc Giang. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh tỉnh Bắc Giang ghi nhận thêm 375 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

“Chúng ta phải bình tĩnh. Thứ nhất, chủng lần này lây rất nhanh. Điểm thứ hai là chủng này có khả năng nhân lên và phát tán mầm bệnh rất rộng. Theo GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, trong phòng thí nghiệm, bình thường các chủng khác phải sau 3-4 ngày nuôi cấy mới mọc chân. Tuy nhiên, biến chủng mới có hiện tượng này sau 2 ngày. Vì vậy, về vấn đề lâm sàng, virus sẽ phát tán rất nhanh, khác với các chủng trước đây”, Bộ trưởng Y tế nhận định.

Ông Nguyễn Thanh Long cho biết hình thái lây nhiễm trong đợt bùng phát dịch ở Bắc Giang là tại khu công nghiệp, mật độ rất đông. Ví dụ, tại Công ty Hosiden, khoảng cách nửa mét có một người, môi trường khép kín, nhà vệ sinh chung. Đối với khu vực nhà ăn, dù đã có chỉ đạo, hướng dẫn, nơi đây tập trung hàng chục nghìn người nên nguy cơ rất lớn.

“Đối với việc lây nhiễm trong công ty này, trường hợp F1 chuyển thành F0 lên tới 55%”, ông Long thông tin.

Ngoài việc lây nhiễm trong nhà máy, khu vực này còn có nguy cơ lây nhiễm ở khu lưu trú, trên xe đi làm. Điều đó khiến tình hình rất phức tạp.

Theo Bộ trưởng Y tế, số lượng người dương tính vừa công bố là kết quả của 3 ngày tổng lực xét nghiệm số lượng mẫu rất lớn, kết hợp với sự thay đổi phương thức.

“Tới đây, chúng tôi nhận định tình hình dịch tại khu vực này tiếp tục phức tạp và ghi nhận nhiều ca mắc hơn. Tuy nhiên, chúng ta có một điểm tạm thời yên tâm là tất cả trường hợp đã nằm trong khu phong tỏa, là công nhân các khu công nghiệp, nên sự lây nhiễm cộng đồng có thể có nhưng chưa phải vấn đề lớn”, Bộ trưởng nói.

“Số ca bệnh tăng nhanh, chưa có dấu hiệu giảm” Với tình hình hiện tại, ông Long yêu cầu cơ quan chức năng phải dồn lực vào việc ngăn chặn dịch Covid-19 tại các khu công nghiệp.

Qua đánh giá của Bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại Bắc Giang, các biện pháp phòng, chống dịch đang đi đúng hướng và được triển khai rất quyết liệt.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá: “Chúng ta phải đối mặt thách thức rất lớn là số ca bệnh sẽ tăng lên và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Bộ đã lên kịch bản có 3.000 người bệnh ở tỉnh này. Do đó, ưu tiên lớn nhất ở thời điểm này là dập được ổ dịch tại Bắc Giang, nếu không làm được thì sẽ thất bại vì dịch lây ra các địa phương khác”.

Khi có ổ dịch tại cộng đồng, cơ quan chức năng cần thực hiện đúng nguyên tắc truy vết, cách ly, để không sót F1, tránh gây ra hậu quả khôn lường.

Đối với khu có nhiều công nhân, Bộ trưởng Y tế đề xuất phải “đóng băng” và áp dụng thiết chế cách ly tập trung với các địa điểm này, tiến hành mở rộng ra khu vực lân cận nếu đông công nhân và có yếu tố nguy cơ.

“Tất cả vi phạm trong khu đóng băng cần được xử lý nghiêm, nếu không sẽ thất bại. Phải coi cả vùng đó là khu cách ly tập trung thì mới khống chế, kiểm soát được”, ông nhấn mạnh.

Hiện tại, Bộ Y tế đã cử các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm, trải qua nhiều đợt dịch lớn từ Đà Nẵng, Hải Dương, Vĩnh Phúc để hỗ trợ Bắc Giang.

“Đợt dịch trước lây theo chuỗi nhưng lần này ngoài lây qua chuỗi, virus còn lây qua không khí trong không gian hẹp, môi trường kín, nên nguy cơ lây không chỉ trong vòng 2 m. Tinh thần chung là làm ‘sạch’ công nhân, từng bước bằng xét nghiệm, nếu không sẽ rất khó dừng chuỗi lây nhiễm này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Vì vậy, ông đề nghị tỉnh tiếp tục giám sát sàng lọc thường xuyên. Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế cần họp với UBND tỉnh sử dụng xét nghiệm nhanh đối với toàn bộ khoảng 50.000 người có yếu tố nguy cơ rất cao với tần suất ba ngày/lần. Khi xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính, 7 ngày sau, cơ quan y tế cần thực hiện bằng phương pháp rRT-PCR để đánh giá lại mẫu âm tính.

“Trong tuần này phải sàng lọc ít nhất 50.000 mẫu. Trận Đà Nẵng, chúng ta đánh nhanh 1 thì trận này phải nhanh 10 mới thắng được”, Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu ngành y tế khẳng định bộ sẽ hỗ trợ tối đa cho Bắc Giang. Thời gian tới, cơ quan này sẽ điều nhân viên y tế từ nhiều bệnh viện tuyến trung ương hỗ trợ về công tác hồi sức, điều trị cho tỉnh. Đặc biệt, ông đề nghị Bắc Giang thành lập ngay bệnh viện dã chiến, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ vật tư, máy móc trang thiết bị cho địa phương này.

Trong đợt dịch mới bùng phát từ 27/4 đến nay, Bắc Giang là địa phương có số bệnh nhân cao nhất cả nước với 1.156 người. Tỉnh này vẫn ghi nhận số lượng lớn người mắc Covid-19 tại các khu công nghiệp mỗi ngày.

Nguồn: Zing

Phượng Phan
Author: Phượng Phan